Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ngay sau khi giành chính quyền, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng bộ máy Nhà nước của chính quyền mới. Ngày 13.9.1945 với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33-C, thành lập các Tòa án quân sự. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án. Từ đó đến nay, ngày 13 tháng 9 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống Tòa án nhân dân.
Các Tòa án quân sự có nhiệm vụ “Xét xử tất cả các người nào vi phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…”. Ngay khi được thành lập, trong điều kiện Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời và phải đối mặt với muôn vàn khó khăn chồng chất, hiểm nguy, các thế lực thù trong, giặc ngoài câu kết với nhau, âm mưu bóp chết chính quyền Nhà nước non trẻ mới được thành lập. Các Tòa án quân sự đã kịp thời thực hiện nhiệm vụ xét xử, kiên quyết trừng trị bọn phản cách mạng, việt gian bán nước, góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, trong thời gian này các Tòa án quân sự chỉ đảm nhiệm việc xét xử các vụ án hình sự và không xét xử các vụ án dân sự. Một số vụ án hình sự thường (xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; xâm phạm tài sản của công dân; xâm phạm trật tự an toàn xã hội…) và các vụ án dân sự được tạm thời giao cho các Ban Tư pháp xã đảm nhiệm.
Để hoàn thiện hệ thống Tòa án, ngày 24/01/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Tòa án và các ngạch Thẩm phán. Theo đó, đã thành lập hệ thống các Tòa án thường (sau này được đổi tên thành Tòa án nhân dân), bao gồm: Các Tòa án sơ thẩm (ở huyện), các Tòa án đệ nhị cấp (ở tỉnh) và ba Tòa Thượng thẩm (ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ).
Ngày 25/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 86-SL về cải cách bộ máy tư pháp và Luật tố tụng. Theo Sắc lệnh này, tổ chức Tòa án sơ thẩm gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án đệ nhị cấp là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng phúc án gọi là Tòa phúc thẩm. Trong thời gian từ năm 1946 đến năm 1954, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của giai đoạn này, hệ thống các Tòa án còn bao gồm các Tòa án binh và các Tòa án nhân dân đặc biệt ở những nơi cải cách ruộng đất.
Tháng 4/1958 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định thành lập Tòa án nhân dân tối cao.
Với sự ra đời của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Tòa án năm 1960 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng của hệ thống Tòa án nhân dân . Theo đó, tổ chức bộ máy của hệ thống Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện và các Tòa án quân sự (trong đó Tòa án quân sự Trung ương trực thuộc Tòa án nhân dân Tối cao). Việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương do Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm và theo phương thức song trùng trực thuộc. Tòa án nhân dân tối cao quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, hướng dẫn các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về đường lối xét xử, áp dụng thống nhất pháp luật và giám đốc công tác xét xử của các Tòa án. Ủy ban hành chính địa phương có trách nhiệm sắp xếp nhân sự và cấp kinh phí hoạt động cho các Tòa án nhân dân địa phương. Tổ chức và hoạt động của các Tòa án đảm bảo có sự tham gia của nhân dân, thể hiện thông qua chế độ bầu cử Thẩm phán và thực hiện nguyên tắc xét xử của Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia và chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử. Tòa án nhân dân thực hiện chế độ hai cấp xét xử.
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, văn minh, bảo vệ công lý, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; xác định lấy Tòa án làm trung tâm của cải cách tư pháp. Hiến pháp năm 2013 qui định: “Tòa án là cơ quan xét xử của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam, thực hiện quyền tư pháp”. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp là đạo luật cao nhất qui định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cùng với chức năng xét xử đã khẳng định vị thế của Tòa án trong bộ máy Nhà nước. Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 ( sửa đổi) đã thể hiện tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW và Hiến pháp 2013, theo đó hệ thống Tòa án được tổ chức thành bốn cấp gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh. Tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm đa số các loại vụ án cho TAND cấp huyện.
Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An ra đời và trưởng thành cùng với hệ thống Tòa án nhân dân cả nước theo các sự kiện pháp lý nói trên. 70 năm xây dựng và trưởng thành Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An trải qua các giai đoạn như sau:
Giai đoạn sau khi chính quyền được thiết lập 1945 đến 1954:
Tòa án nhân dân các cấp tỉnh Nghệ An đã trở thành một trong các công cụ chuyên chính của Nhà nước trong việc trấn áp bọn phản cách mạng, bọn gián điệp, tề gian chống phá cách mạng, làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xử lý các tội xâm phạm tài sản của Nhà nước, biển thủ của công, buôn lậu, xâm phạm quyền lợi, tài sản của công dân … làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền cách mạng và sức mạnh của quân đội. Thông qua các phiên tòa, Tòa án đã vạch trần âm mưu của các thế lực phản động, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong nhân dân, góp phần bảo vệ và giữ vững chính quyền nhân dân, phục vụ có hiệu quả cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giữ vững đời sống bình yên ở hậu phương, tạo niềm tin cho cán bộ, chiến sỹ và đồng bào vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Giai đoạn 1954 dến 1975:
Trong giai đoạn này, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp Tòa án nhân dân là phục vụ sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, xây dựng Miền Bắc thành hậu phương vững chắc chi viện đắc lực để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân các cấp theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án năm 1960. Tòa án nhân dân các cấp tỉnh Nghệ An đã tăng cường công tác xét xử các vụ án hình sự, góp phần đập tan mọi âm mưu phá hoại, hoạt động gián điệp, biệt kích, chiến tranh tâm lý, các hoạt động gây bạo loạn ở một số vùng và bọn phản động lợi dụng chính sách tôn giáo để lôi kéo giáo dân chống phá Nhà nước; đồng thời trừng trị nghiêm khắc các tội phạm xâm phạm tài sản của Nhà nước, tập thể, công dân, các tội phạm xâm phạm chế độ quản lý kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Cùng với việc xét xử tốt các vụ án hình sự, Tòa án các cấp tỉnh Nghệ An đã giải quyết tốt các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, phục vụ có hiệu quả cho việc bảo vệ các quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa; các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và công dân; góp phần bảo vệ chế độ hôn nhân tự do, tiến bộ, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng nam nữ và chống lại những tàn tích lạc hậu của tư tưởng phong kiến về chế độ hôn nhân và gia đình.
Tòa án các cấp tỉnh Nghệ An trong giai đoạn này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt từ khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Nghệ An trở thành mục tiêu bắn phá ác liệt của không quân và hải quân Mỹ. Thời kỳ này, trụ sở các đơn vị Tòa án nhân dân phải sơ tán để đảm bảo an toàn. Năm 1972, trụ sở sơ tán của Tòa án nhân dân huyện Nam Đàn tại xã Nam Lạc ( nay là xã Hùng Tiến) đã bị máy bay Mỹ ném bom, Thẩm phán Phạm Kim Trân, quê xã Kim Liên, huyện Nam Đàn đã hy sinh tại trụ sở trong khi đang làm nhiệm vụ, đến năm 1997 mới được truy nhận danh hiệu Liệt sỹ. Liệt sỹ Nguyễn Đức Thuần, quê xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, nguyên là Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An được biệt phái vào xét xử tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1950 – 1954, đã hi sinh năm 1953. Ngày 10/12/9972 ( âm lịch), Thẩm phán Trần Hùng Dũng - Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Con Cuông, quê xã Nam Thái, trên đường về Vinh công tác cũng bị máy bay Mỹ ném bom hy sinh. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân, Đảng ủy, lãnh đạo TAND tỉnh Nghệ An và TAND huyện Nam Đàn đã thay mặt toàn thể cán bộ TAND hai cấp tỉnh Nghệ An dâng hương, dâng hoa tại bàn thờ Liệt sỹ với lòng thành kính “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các Liệt sỹ Tòa án nhân dân đã hy sinh vì đất nước, vì sự nghiệp Tòa án nhân dân.
Giai đoạn 1976 đến 1991 :
Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Tòa án hai tỉnh sáp nhập thành Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh vào ngày 20/3/1976. Thời kỳ này, Tòa án các cấp tỉnh Nghệ tĩnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xét xử hai loại án truyền thống là án hình sự và dân sự (trong đó có Hôn nhân gia đình). Thông qua các phiên tòa xét xử án hình sự, các Tòa án đã thể hiện thái độ kiên quyết trấn áp các hoạt động phản cách mạng, trừng trị nghiêm khắc bọn lưu manh, côn đồ hung hãn và các phần tử thoái hóa, biết chất; giải quyết tốt các tranh chấp trong nhân dân; góp phần bảo vệ an ninh Quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng cuộc sống mới, con người mới.
Giai đoạn từ 1991 đến nay:
Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại được chia tách thành hai tỉnh: Nghệ An và Hà Tĩnh. Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An được tái lập vào ngày 23/9/1991. Đội ngũ cán bộ Tòa án hai cấp tỉnh Nghệ An lúc này vừa yếu lại vừa thiếu. Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, vừa củng cố tổ chức bộ máy, vừa ra sức hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử các loại án nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị sau chia tách tỉnh.
Thời kỳ này, Tòa án nhân dân các cấp được giao thêm nhiệm vụ mới là: Xét xử các vụ án kinh tế (tranh chấp về kinh doanh thương mại) và xem xét giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; xét xử các vụ án Hành chính, lao động và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Thẩm quyền của các cấp Tòa án cũng có sự thay đổi, theo đó TAND cấp huyện xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự có mức hình phạt đến 15 năm tù ( trước đó chỉ đến 7 năm tù), thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự cũng có sự thay đổi theo hướng tăng thẩm quyền xét xử cho TAND cấp huyện. Trong tình hình tội phạm ngày càng gia tăng, các tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp, quyết liệt. Hàng năm, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An xét xử, giải quyết các loại án với số lượng rất lớn, như năm 2014 TAND tỉnh xét xử, giải quyết hơn 800 vụ án các loại, các đơn vị Tòa án cấp huyện có lượng án lớn như Tòa án nhân dân thành phố Vinh hàng năm xét xử, giải quyết hơn 1.800 vụ, Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu gần 600 vụ, Tòa án nhân dân huyện Quỳnh lưu hơn 500 vụ án các loại. Vượt lên khó khăn vất vả, đội ngũ Thẩm phán Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An là lực lượng rường cột thực hiện công tác xét xử, cùng với đội ngũ Thư ký và sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo, các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện từ năm 1986 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đất nước đứng trước những thời cơ mới, nhưng cũng xuất hiện nguy cơ và thách thức mới, trong đó có tệ nạn tham nhũng, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội mới đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc đấu tranh, kiên quyết chống lại các nguy cơ này nên trọng tâm công tác xét xử trong thời gian qua là khẩn trương đưa những vụ án tham nhũng, các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án về ma túy và tệ nạn xã hội, các vụ án xâm phạm nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của nhân dân ra xét xử nghiêm minh.
Đối với công tác xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình việc giải quyết xét xử thường gặp nhiều khó khăn phức tạp nhưng Tòa án 2 cấp đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực xác minh thu thập chứng cứ, tìm rõ nguyên nhân mâu thuẫn, kiên trì hòa giải, hướng dẫn và giải thích pháp luật cho các bên đương sự hiểu về quyền và nghĩa vụ của họ. Sự tận tụy, kiên trì của các đồng chí Thẩm phán, Thư ký đã giúp cho việc hòa giải thành nhiều vụ án dân sự, hôn nhân gia đình… một số đơn vị có tỉ lệ hòa giải thành đạt tới 50 – 60% số vụ tranh chấp, góp phần giải quyết tốt mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, trong mỗi gia đình.
Cùng với việc giải quyết tốt các vụ án hình sự, dân sự, các Tòa án các cấp đã có nhiều cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mới được giao, góp phần bảo vệ hành lang pháp lý lành mạnh trong hoạt động kinh doanh thương mại, bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính Nhà nước.
Ngoài việc thực hiện tốt chức năng xét xử, công tác thi hành án hình sự là một nhiệm vụ quan trọng, gắn với công tác Tòa án từ trước tới nay. Hàng năm, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt việc ra các quyết định thi hành án hình sự, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho các phạm nhân có thành tích cải tạo tốt tại các Trại cải tạo đóng trên địa bàn đảm bảo chính xác, đúng pháp luật.
Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An không ngừng lớn mạnh, Từ 2 Tòa chuyên trách là tòa Hình sự và tòa Dân sự truyền thống. Ngày 01/7/1994, Trọng tài kinh tế Nhà nước tỉnh Nghệ An sát nhập vào Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An và thành lập Tòa Kinh tế; năm 1996 thành lập tòa Hành chính, Ngày 01/5/2008 thành lập tòa Lao động thuộc Tòa án nhân dân tỉnh. Đến nay TAND tỉnh có 5 tòa chuyên trách, 03 phòng giúp việc; TAND cấp huyện có 21 đơn vị. Bộ máy lãnh đạo TAND hai cấp và bộ máy lãnh đạo các tòa, phòng tại TAND tỉnh được kiện toàn, cũng cố đủ số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.
Đội ngũ cán bộ Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An cũng từng bước được bổ sung và không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nếu trong nhiều năm trước đây, đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì cho đến nay cơ bản đã được khắc phục. Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An có 305 biên chế, trong đó có 123 Thẩm phán (Tòa án tỉnh có 17 Thẩm phán, Tòa án cấp huyện có 106 Thẩm phán). Trình độ lý luận chính trị và chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cũng không ngừng được nâng lên; có 269 công chức trình độ cử nhân Luật làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, 42 công chức là lãnh đạo TAND hai cấp và lãnh đạo các tòa, phòng của Tòa án tỉnh có trình độ cử nhân và cao cấp chính trị; 26 công chức có học vị Thạc sỹ Luật. Tuyệt đại đa số cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, Nhà nước và tận tụy với nhân dân. Đội ngũ Hội thẩm Tòa án cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ án của Tòa án hai cấp.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của hệ thống tòa án nhân dân, cơ sở vật chất qua các thời kỳ và nhất là hiện nay đã dần được tăng cường. Hiện nay, Tòa án nhân dân tỉnh đã có trụ sở 5 tầng uy nghiêm trên khuôn viên 2 ha đất, các phòng xử án, phòng làm việc, phòng hội nghị đáp ứng công năng của yêu cầu nhiệm vụ. Các Tòa án nhân dân cấp huyện cũng được đầu tư xây dựng trụ sở uy nghiêm, đàng hoàng hơn.
Công tác hợp tác quốc tế cũng được quan tâm và đạt được kết quả đáng kích lệ, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã ký ghi nhớ với Tòa án nhân dân tỉnh Xiêng Khoảng nước CHDCND Lào thỏa thuận quan hệ hợp tác giữa Tòa án hai tỉnh. Hàng năm, TAND hai tỉnh đã thực hiện chương trình hợp tác, góp phần tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào anh em.
Trong thời gian qua, cùng với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong cả nước, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An đã phát động các phong trào thi đua gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 06-CT/TƯ và Chỉ thị số 03- CT/TW của Bộ Chính trị. Chủ đề xuyên suốt của phong trào thi đua là: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm là “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Đến nay, cuộc vận động đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi có sức lan tỏa mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong các đơn vị Tòa án nhân dân hai cấp. Nhiều cá nhân và tập thể tiêu biểu đã xuất hiện qua các phong trào thi đua nói trên và được nhân rộng với những thành tích đáng tự hào.
Các hoạt động xã hội cũng được duy trì và đẩy mạnh tại các đơn vị. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình thương binh, liệt sỹ, ủng hộ người nghèo, trẻ em khó khăn, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt… được duy trì thường xuyên; Tòa án nhân dân tỉnh nhận giúp đỡ một xã nghèo là xã Tam sơn, huyện Anh Sơn. Bên cạnh đó, các đơn vị Tòa án hai cấp còn hưởng ứng và tham gia tích cực vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của hệ thống Tòa án nhân dân và địa phương giành được nhiều giải cao. Tổ chức thành công hội thi thể thao và văn nghệ chào mừng 65 năm và 70 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân với sự hưởng ứng sôi nổi, nhiều tiết mục xuất sắc của các đơn vị. Hội nghị thi đua yêu nước Tòa án nhân dân hai cấp đã được tổ chức để biểu dương và tôn vinh các tập thể, cá nhân, chiến sỹ thi đua, các tấm gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An.
Nhìn lại quá trình xây dựng và trưởng thành của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An trong 70 năm qua, chúng ta có thể tự hào nhận thấy rằng, trong mọi thời kỳ của cách mạng, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần xứng đáng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển trên địa bàn tỉnh nhà. Với những kết quả đã đạt được, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất vào năm 2000, Huân chương Độc lập hạng Ba vào năm 2005; Huân chương Độc lập hạng Nhì vào năm 2010 và nhiều năm được Tòa án nhân dân tối cao tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc. Nhiều đơn vị TAND cấp huyện được tặng Huân chương Lao động, Bằng khen của Chính phủ, cờ đơn vị thi đua xuất sắc...
Để đạt được các thành tích đáng khích lệ nêu trên, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và sâu sắc của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; của cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp; sự giúp đỡ to lớn của UBND các cấp; sự phối của các ngành; đặc biệt là sự đóng góp to lớn công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ Tòa án nhân dân, Trọng tài kinh tế nhà nước, Hội thẩm Tòa án các cấp tỉnh Nghệ An đã đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đã tô thắm truyền thống 70 năm Tòa án nhân dân bảo vệ công lý được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An cũng còn có hạn chế, khuyết điểm như: Chất lượng xét xử một số ít còn sai nên có án bị hủy, sửa; tuyệt đại đa số đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng nhưng vẫn còn một ít cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống dẫn đến vi phạm bị xử lý, làm ảnh hưởng uy tín của Tòa án và lòng tin của nhân dân; cơ sở vật chất qua các thời kỳ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ v.v... Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, tìm ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp để khắc phục.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; số lượng các vụ, việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết gia tăng. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân còn phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới cải cách tư pháp. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An trong thời gian tới còn rất nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải xác định rõ trách nhiệm của mình, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trước mắt, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An phải tập trung làm tốt một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án với việc thực hiện các yêu cầu của cải cách tư pháp. Tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 có hiệu quả.
Kịp thời triển khai thực hiện đề án về tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An theo Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 và qui định của TAND tối cao phù hợp tình hình, đặc điểm của từng đơn vị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Tăng cường công tác giáo dục nâng cao trình độ chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống đối với đội ngũ cán bộ, công chức. xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức lối sống trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn giỏi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhằm xây dựng Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An trong sạch, vững mạnh. Thực hiện đề án công tác cán bộ, đảm bảo đủ số lượng theo chỉ tiêu biên chế để thành lập các tòa chuyên trách tại Tòa án cấp huyện; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ Thẩm phán; có giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong thời gian qua về công tác cán bộ.
Đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án; từng bước khắc phục việc để các vụ án quá hạn luật định; đảm bảo tính đúng đắn, khả thi của các bản án, quyết định của Tòa án; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiện tòa coi đó là khâu đột phá của hoạt động xét xử; làm tốt công tác thi hành án hình sự thuộc thẩm quyền các đơn vị Tòa án nhân dân hai cấp.
Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các đơn vị Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu nhiệm vụ.
Đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn với nội dung xuyên suốt là: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong các đơn vị TAND hai cấp tỉnh Nghệ An.
Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan; với truyền thống tốt đẹp trong 70 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, toàn thể cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An nguyện sẽ chung sức, chung lòng, tận tâm, tận lực, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm; nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó, xứng đáng với vị trí là trung tâm của cải cách tư pháp. /.